Made by me - cách làm nước hoa khô siêu đơn giản

Cập nhật gần nhất 22:23, 21/11/2024
Mục lục

Nước hoa khô sinh ra để tô điểm thêm nét quyến rũ của con gái. Thứ hương thơm đó nhẹ nhàng và khiêm nhường khiến người ta mê đắm. CỎ thích cái cảm giác được lén lút lôi từ trong túi áo ra một hộp thiếc nhỏ xinh rồi xoa xoa và hà hít hương thơm ấy, càng dùng lại càng "nghiện". Còn gì vui hơn nếu được tự tay sản xuất một hũ nước hoa khô cho riêng mình. Nếu bạn hứng thú với trải nghiệm "mùi hương" đầy thú vị này thì hãy cùng theo chân Cỏ Mềm biến mong ước đó thành hiện thực nhé!

huong-dan-lam-nc-hoa-kho

Hướng dẫn cách làm nước hoa khô tại nhà

Chuẩn bị nguyên liệu

Thành phần tối thiểu để làm nước hoa khô cần phải có:

  • Sáp: Được coi là thành phần chính giúp nước hoa khô đông đặc nhanh chóng, chúng ta có thể sử dụng sáp ong hoặc sáp đậu nành.  Sáp ong được dùng phổ biến hơn vì độ cứng ổn định và giá thành rẻ.
  • Dầu thực vật: giúp tạo nền cho nước hoa khô. Những loại dầu nền phổ biến để làm nước hoa khô như: dầu hạnh nhân, dầu quả bơ, dầu jojoba. Không nên sử dụng dầu olive hay dầu dừa vì mùi của chúng khá nồng nên có thể át đi mùi của tinh dầu thơm.
  • Hương liệu: thường khá đa dạng từ mùi hương hoa lá, mùi gỗ, mùi trái cây. Hãy chọn mùi hương bạn yêu thích và an toàn cho da. Nhưng cần phải dễ tìm kiếm và có giá cả hợp lý. Nếu bạn có cơ địa nhạy cảm,  dị ứng hay có tiền sử hen suyễn thì không nên sử dụng nước hoa hay bất kể sản phẩm nào đó có hương thơm.
  • Hộp đựng:  có thể tận dụng những chiếc hộp thiếc đựng kem dưỡng hay phấn phủ hoặc hộp thuốc cũ nho nhỏ, vệ sinh sạch sẽ và để khô trước khi sử dụng.

Dưới đây là nguyên liệu cụ thể cho công thức mẫu để làm nước hoa mà cỏ sẽ giới thiệu. Mỗi công thức có một tỷ lệ nguyên liệu khác nhau:

  • Tinh dầu cỏ hương bài: 4 giọt
  • Tinh dầu hoắc hương: 2 giọt
  • Tinh dầu trầm hương: 10 giọt
  • Tinh dầu cam: 5 giọt
  • Tinh dầu hoàng đàn: 5 giọt
  • Dầu jojoba: 15ml
  • Sáp ong: 5g
  • Dụng cụ pha chế: hộp đựng sạch khoảng 20g, cốc thủy tinh chịu nhiệt, cốc nhựa, que khuấy thủy tinh, bếp gas, nồi cách thủy.

Các bước thực hiện

lam-buoc

Bước 1: Cho 5g sáp ong vào cốc thủy tinh, vặn bếp gas và đun cách thủy (đổ nước trong nồi xấp xỉ bằng 1/3 chiều cao cốc) để sáp tan chảy hoàn toàn, sau đó tắt bếp và đợi cho sáp nguội bớt chỉ khoảng ~ 50 độ C (có thể dùng nhiệt kế để đo chính xác).

Chú ý: Không cần thiết phải đậy nắp vung trong quá trình đun để tránh cho nước ngưng tụ trên nắp và nhỏ giọt xuống cốc. 

cac-buoc-lam-nuoc-hoa-kho

Bước 2: Thêm 4 giọt tinh dầu cỏ hương bài, 2 giọt tinh dầu hoắc hương, 10 giọt tinh dầu trầm hương, 5 giọt tinh dầu cam và 5 giọt tinh dầu hoàng đàn vào cốc nhựa có chứa sẵn dầu jojoba.

cac-buoc-lam-nuoc-hoa-kho

Bước 3: Dùng que thủy tinh khuấy đều hỗn hợp tinh dầu trong cốc nhựa, sau đó đổ hỗn hợp tinh dầu vào cốc thủy tinh đang đựng sáp ong trong nồi. 

Lưu ý: Không nên cho tinh dầu hương thơm vào sáp ong khi còn quá nóng hoặc quá nguội vì nhiệt độ quá cao sẽ khiến tinh dầu bốc hơi hết, biến chất, còn nếu quá nguội thì sáp không đủ nhiệt để hoàn tan hương liệu. 

cac-buoc-lam-nuoc-hoa-kho

Bước 4: Dùng vải lót để nhấc cốc thủy tinh ra và đổ hỗn hợp vào lọ đựng, chờ khoảng 3 -5 phút hỗn hợp sẽ nhanh chóng đông đặc lại. Thế là bạn đã có một sản phẩm hoàn tất của riêng mình rồi đó. 

cach-lam-nuoc-hoa-kho-dang-sap-o-nha

Lần đầu làm chưa nhiều kinh nghiệm chúng ta có thể bỏ quá nhiều hoặc quá ít sáp ong/ dầu nền khiến thành phẩm bị cứng quá mức hoặc mềm nhão. Vậy thì bạn có thể dùng muỗng nhỏ tách nước hoa trong hộp và bỏ lại vào cốc thủy tinh để chưng cách thủy: nước hoa quá khô thì thêm 1 thìa dầu jojoba (3ml), ngược lại quá mềm thì thêm một chút sáp ong. Nhớ vệ sinh dụng cụ sạch sẽ sau khi thực hiện xong nhé!

Tìm hiểu thêm về: Nước hoa và các tầng hương

Những lưu ý khi sử dụng và bảo quản nước hoa khô

  • Nước hoa khô tự làm thường dễ biến đổi mùi do tinh dầu bị oxi hóa với môi trường xung quanh chỉ có thể bảo quản được 3 -6 tháng, vì thế hãy cứ xài thoải mái nhé. Dấu hiệu biến đổi là khi bạn chỉ thấy mùi sáp ong và mùi dầu thực vật tách riêng biệt.
  • Bảo quản nước hoa sáp cũng giống như những thỏi son dưỡng: cần tránh những nơi có nhiệt độ cao, ngoài trời, trong cốp xe, nhiệt độ thích hợp là khoảng 25 độ C.
  • Mặc dù nước hoa khô cũng có công dụng tương tự như một loại kem dưỡng da nhưng bạn tuyệt đối không nên thoa nó lên môi vì hương liệu không ăn được.
  • Hãy thoa nước hoa khô lên các điểm có mạch đập trên cơ thể như cổ tay, sau gáy, sau tai, trên ngực để mùi hương lan tỏa nhanh chóng.

Hãy chia sẻ bí quyết làm nước hoa khô của Cỏ Mềm bằng cách nhấn nút SHARE trên tài khoản facebook cá nhân của bạn ở cuối bài viết này. Ngoài ra, nếu còn thắc mắc nào khác, vui lòng gửi bình luận dưới bài viết để Cỏ hỗ trợ bạn giải đáp nhé! Còn nữa, nếu bạn yêu thích hương thơm ngan ngát của hoa Ylang hãy thử một lần trải nghiệm Nước hoa khô vườn mưa của gia đình nhà Cỏ nhé!