Loa loa loa... Xem ngay CTKM mới - MUA 2 TẶNG 1 TỪ 1/9/2024
Ké đầu ngựa và những tác dụng tuyệt vời cho sức khỏe và làn da
Ké đầu ngựa là một trong những dược liệu phổ biến trong Đông y, thường được sử dụng để điều trị nhiều bệnh lý và hỗ trợ chăm sóc da hiệu quả. Dưới đây, chúng ta sẽ cùng với Cỏ Mềm khám phá chi tiết về đặc điểm, tác dụng và cách sử dụng của loại dược liệu này.
Tổng quan về ké đầu ngựa
Trước khi giải đáp cho câu hỏi cây ké đầu ngựa chữa bệnh gì, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về đặc điểm của loại dược liệu này.
Ké đầu ngựa là gì?
Theo Wikipedia: “Ké đầu ngựa, tên Hán - Việt là thương nhĩ (danh pháp hai phần: Xanthium strumarium, đồng nghĩa: X. inaequilaterum, X. canadense, X. chinense, X. glabratum), một loài thực vật trong họ Cúc (Asteraceae).”
Cây ké đầu ngựa là loại cây thân thảo, cao từ 50 - 120cm, thân của nó có các khía rãnh. Lá ké đầu ngựa mọc đơn hoặc theo vòng tròn. Hoa của dược liệu này có hai loại khác nhau: Loại thứ nhất mọc ở đỉnh các cành ngắn, chỉ phát triển thành hoa để sản xuất phấn hoa; loại thứ hai mọc ở kẽ lá, từ đó sinh ra quả. Quả cây có hình thoi, có móc nhỏ, có thể dính vào lông của các động vật để giúp phát tán hạt đi xa.
Bộ phận dùng của ké đầu ngựa
Các thành phần dùng để chế biến thành thuốc là: Quả (còn được gọi là Thương nhĩ tử) và toàn bộ phần trên mặt đất của cây (còn được gọi là Thương nhĩ thảo). Trong hai thành phần này, quả thường được sử dụng phổ biến hơn do có hàm lượng dược tính cao hơn.
Quá trình thu hái quả được tiến hành khi chúng vẫn trong tình trạng chưa chuyển sang màu vàng. Sau khi thu hái, quả được đem về để phơi khô hoặc sấy khô để sử dụng trong chế biến thuốc.
Thành phần hóa học trong ké đầu ngựa
Trước khi tìm hiểu quả ké đầu ngựa có tác dụng gì, bạn đọc nên khám phá về thành phần có trong loại dược thảo này. Theo đó, vị thuốc này có thành phần hóa học đa dạng, bao gồm các chất alkaloid, iot, chất béo và saponin.
Cụ thể, hàm lượng chất béo chiếm khoảng 30%, chất glucozit chiếm 1,3%, nhựa và vitamin C chiếm 3,3%. Ngoài ra, cây còn chứa các chất như xanthine, xanthamin, cacboxi atratylozit,... Dầu béo trong ké đầu ngựa có dạng lỏng, màu vàng nhạt, không có mùi đặc trưng, và vị tương tự như dầu thực vật.
Quả của cây chứa alkaloid và sesquiterpene lactone như xanthinin, xanthumin, xanthatin, có khả năng kháng khuẩn. Mỗi gam quả chứa từ 220 - 230 microgam iot. Đáng chú ý, khi nước sắc từ quả được cô đặc trong 15 phút để tạo thành cao thì hàm lượng iot tăng lên đến 300 microgam/gam cao. Thời gian cô đặc càng lâu thì hàm lượng iot trong cao càng tăng.
Rễ của cây chứa beta sitosterol và stigmasterol. Toàn thân cây chứa nhiều đạm. Mỗi gam thân hoặc lá của cây chứa khoảng 200 microgam iot.
Công dụng của ké đầu ngựa
Có thể khái quát 2 tác dụng chính của dược liệu này: Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ làm đẹp. Cụ thể:
Đối với sức khỏe
Ké đầu ngựa trị bệnh gì? Sau đây là những công dụng của loại dược thảo này:
Kháng viêm: Theo một số nghiên cứu, hạt ké đầu ngựa chứa hoạt chất sitosterol-D-glucoside, có tác dụng ức chế quá trình hình thành viêm và loại bỏ vi khuẩn gây viêm. Chiết xuất từ hạt cây cũng có khả năng tiêu diệt vi khuẩn, đặc biệt là những vi khuẩn xâm nhập qua vết thương hở.
Giảm căng thẳng: Hoạt chất xanthumin trong ké đầu ngựa có khả năng ức chế hệ thần kinh trung ương, giúp giảm căng thẳng và mệt mỏi, mang lại cảm giác nhẹ nhàng và thư thái.
Ổn định đường huyết: Một số hoạt chất trong dược liệu này có khả năng ức chế sự hấp thụ đường và thúc đẩy cơ thể sản xuất insulin, giúp ổn định đường huyết.
Chữa viêm xoang: Ké đầu ngựa chữa viêm xoang là tác dụng đã được các bác sĩ y học cổ truyền khẳng định. Hoạt chất kháng sinh và chống virus trong cây thuốc này giúp bảo vệ niêm mạc mũi, ngăn ngừa viêm xoang, giảm ngạt mũi, chảy nước mũi và các triệu chứng khác.
Dự phòng bệnh bướu cổ: Ké đầu ngựa trị bướu cổ là công dụng đã được khẳng định trong các dược thư y học cổ truyền Trung Hoa. Thảo dược này được sử dụng để dự phòng bướu cổ ở những người có nguy cơ cao mắc bệnh.
Các công dụng khác: Lá cây này có tác dụng lợi tiểu, dự phòng bệnh giang mai và được dùng trong điều trị lao hạch, herpes. Rễ cây cũng được sử dụng để điều trị một số loại ung thư và lao hạch. Cao rễ cây được dùng để trị vết loét, mụn nhọt và áp xe. Ngoài ra, cây còn được dùng để ra mồ hôi, hạ nhiệt, trị thấp khớp, cảm lạnh và an thần.
Đối với làm đẹp
Theo quan niệm Đông y, ké đầu ngựa có vị ngọt nhạt và tính ôn, mang tác dụng tiêu độc, sát trùng, tán phong và trừ thấp. Loại dược liệu này thường được sử dụng để điều trị nhiều vấn đề ngoài da như tổ đỉa, mụn nhọt, chốc lở,... Cụ thể:
Điều trị mụn nhọt trên da: Chuẩn bị 15g lá ké tươi được rửa sạch, để ráo, sau đó giã nát và đắp lên vùng bị mụn nhọt. Ngày đắp 1 - 2 lần, lặp lại liên tục trong 3 ngày. Biện pháp này giúp giảm sưng và đau trên vùng da có mụn nhọt một cách hiệu quả.
Điều trị viêm da mủ (chốc, nhọt...): Chuẩn bị 30g ké đầu ngựa + 30g kim ngân hoa + 30g bồ công anh + 30g thổ phục linh + 30g sài đất. Đem các nguyên liệu trên sắc với 600ml nước tới khi còn lại 150ml, chia thành 2 lần và uống trong ngày. Liều dùng thuốc kéo dài trong 5 ngày.
Hoặc dùng bài thuốc sau: 10g ké đầu ngựa + 15g bồ công anh + 10g sài đất + 5g kim ngân hoa + 2g cam thảo đất. Các nguyên liệu trên bào chế thành dạng chè thuốc, đóng thành gói 42g. Mỗi ngày uống 1 gói, hãm với nước sôi, chia thành 3 lần uống trong ngày.
Điều trị bệnh tổ đỉa: Chuẩn bị 45g quả ké đầu ngựa + 45g hạ khô thảo + 30g vỏ núc nác + 20g sinh địa + 15g hạt dành dành. Đem các nguyên liệu trên sao vàng, tán bột, làm thành viên bằng hạt đỗ xanh. Mỗi ngày uống 10 - 15 viên, sau khi ăn. Nên uống thuốc trong khoảng 5 - 7 ngày.
Công dụng khác: Mới đây, một nghiên cứu (nguồn) được trình bày tại sự kiện Discover BMB tổ chức bởi Hiệp hội Hóa sinh và Sinh học Phân tử Mỹ (diễn ra từ ngày 25/3 - 28/3/2023) tại Seattle, đã làm sáng tỏ tác dụng của ké đầu ngựa đối với hiệu quả chữa lành vết thương, bảo vệ da và chống lão hóa.
Thực hiện loạt thử nghiệm trong môi trường phòng thí nghiệm, các nhà khoa học từ Đại học Myongji ở Hàn Quốc đã phát hiện rằng các hợp chất trong quả ké đầu ngựa có khả năng giảm thiểu hại từ tác động của tia cực tím, tăng cường quá trình chữa lành vết thương và hỗ trợ sản xuất collagen, một loại protein có vai trò quan trọng đối với độ đàn hồi của da và ngăn chặn quá trình hình thành nếp nhăn.
Nghiên cứu sinh tiến sĩ Eunsu Song tại Đại học Myongji, chia sẻ: "Ké đầu ngựa có thể trở thành thành phần quan trọng cho các sản phẩm kem dưỡng da hoặc mỹ phẩm khác".
Lưu ý khi sử dụng ké đầu ngựa
Dưới đây là một số điểm cần ghi nhớ về cách dùng ké đầu ngựa để điều trị bệnh:
-
Luôn tham khảo ý kiến của bác sĩ Đông y hoặc bác sĩ Y học cổ truyền trước khi bắt đầu sử dụng dược liệu này để chữa bệnh.
-
Cung cấp thông tin về các loại thuốc và thực phẩm chức năng đang sử dụng cho bác sĩ nắm được vì thành phần của những loại thuốc này có thể tương tác với các hoạt chất trong ké đầu ngựa.
-
Sử dụng liều lượng cao từ chiết xuất trái ké đầu ngựa có thể gây nguy hiểm. Trong vỏ quả chứa thành phần carboxyatractyloside có thể gây hại cho gan nên cần sử dụng thận trọng đúng theo khuyến nghị của bác sĩ.
-
Hiệu quả của thảo dược này có thể khác nhau đối với từng người tùy theo cơ địa cá nhân. Vì vậy cần kiên nhẫn khi thực hiện liệu pháp bằng dược liệu Đông y.
-
Không nên sử dụng ké đầu ngựa cho trẻ em, phụ nữ mang thai và đang cho con bú để tránh những nguy cơ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của nhóm đối tượng này.
-
Trong quá trình sử dụng ké đầu ngựa, hạn chế thực phẩm như thịt ngựa và thịt lợn, vì trong trường hợp mẫn cảm nó có thể gây ra tình trạng nổi quầng da.
-
Tránh sử dụng dược liệu này trong trường hợp bạn đang bị nhức đầu do khí huyết kém hoặc khi cây đã bắt đầu mọc mầm.
Có thể khẳng định ké đầu ngựa là loại dược liệu có nhiều công dụng đối với sức khỏe và làm đẹp (theo quan niệm y học cổ truyền và y học hiện đại). Tuy nhiên, bạn không được tự ý sử dụng vị thuốc dân gian này mà cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng.