Loa loa loa... Xem ngay CTKM mới - MUA 2 TẶNG 1 TỪ 1/9/2024
Đặc điểm, công dụng và cách dùng lá bạc hà bạn nên biết
Từ lâu, lá bạc hà đã được sử dụng rộng rãi trong nhiều bài thuốc dân gian để giải cảm, kích thích tiêu hóa, giảm đau dạ dày, làm đẹp da,... Tuy nhiên, nếu sử dụng bạc hà không đúng cách hoặc vượt quá liều lượng thì có thể gây ra những các động tiêu cực tới sức khỏe. Để có cái nhìn chi tiết hơn về đặc tính, công dụng và cách sử dụng loại dược thảo này, bạn đọc hãy cùng Cỏ Mềm khám phá chi tiết trong bài viết dưới đây.
Tổng quan về cây bạc hà
Theo Wikipedia: “Bạc hà Á hay bạc hà, bạc hà nam, bạc hà Nhật Bản, húng cây, húng bạc hà (danh pháp khoa học: Mentha arvensis) là loài thực vật thuộc chi Bạc hà. Đây là loài bản địa của các vùng có nhiệt độ ấm thuộc châu Âu, Tây Á và Trung Á, Himalaya cho đến đông Siberia và Bắc Mỹ”.
Theo tài liệu được Khoa Dược - Đại học Y dược TPHCM tổng hợp:
Bạc hà là một loài cây thân thảo, có chiều cao dao động từ 10 - 60 cm. Lá cây mọc đối xứng, có độ dài từ 2 - 6,5 cm và chiều rộng từ 1 - 2 cm, được phủ bởi lớp lông và viền lá có răng cưa thô. Hoa của cây bạc hà có màu tím nhạt, đôi khi có màu trắng hoặc hồng. Chúng mọc thành các cụm trên thân cây, mỗi hoa có chiều dài khoảng 3 - 4 mm.
Cây lá bạc hà được tìm thấy ở nhiều nước tại châu Âu và châu Á. Bạc hà cũng được trồng ở rất nhiều tỉnh thành tại Việt Nam như Sơn La, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hòa Bình,... Cây thường nở hoa vào khoảng tháng 6 - 9 hằng năm, thời kỳ ra quả thường rơi vào tháng 10 - 11.
Cả cây bạc hà đều có thể được dùng làm dược liệu. Người ta thu hái cây gồm cả rễ, sau đó phơi khô để dùng dần. Lá bạc hà tươi hay lá bạc hà khô đều có mùi thơm dễ chịu, có vị cay nhẹ, sau khi dùng mang đến cảm giác thư thái, sảng khoái
Tinh dầu là thành phần chính trong cây bạc hà, chiếm khoảng 0,5 - 1% trọng lượng. Tinh dầu bạc hà không có màu hoặc có màu vàng nhạt, mang mùi thơm đặc trưng của bạc hà, có vị cay và cảm giác the mát. Tinh dầu bạc hà Á chứa các hợp chất như sabinen, myrcen, α-pinen, limonen, cineol, methyl heptenon, menthol, isomenthol, menthyl acetate, neomenthol, menthol và pulegone.
Tác dụng của lá bạc hà
Lá bạc hà có tác dụng gì? Lá bạc hà có nhiều công dụng đối với sức khỏe và làm đẹp. Cụ thể:
Tác dụng của lá bạc hà với sức khỏe
Theo các dược thư y học cổ truyền, bạc hà có vị cay, tính mát và không độc, có khả năng tác động lên cả hai kinh phế và can. Bạc hà được biết đến với tác dụng tán phong nhiệt, kích thích quá trình ra mồ hôi, giảm tình trạng uất nghẹn. Loại thảo dược này được dùng để điều trị cảm nắng (trúng thử), đau bụng, tình trạng đầy bụng và khó tiêu sau khi ăn. Bên cạnh đó, lá bạc hà còn trị ho, rát cổ, mắt mờ, ong đốt,...
Tinh dầu bạc hà còn được sử dụng như một phương pháp trị liệu nhờ tính chất sát trùng, dùng để massage cho khớp xương sưng đau và xoa bóp thái dương khi bị đau đầu. Hơn nữa, bạc hà còn được sử dụng trong việc điều trị loét dạ dày, giúp giảm bài tiết dịch vị và giảm đau dạ dày. Các bệnh lý ngoài da như mề đay, đậu sởi, ban chẩn,... cũng được xử lý dứt điểm nhờ cây thuốc bạc hà.
Tác dụng của lá bạc hà trong làm đẹp
Công dụng lá bạc hà trong lĩnh vực làm đẹp như sau:
-
Trị mụn: Nhờ tính chất chống viêm và kháng khuẩn, lá cây bạc hà mang đến hiệu quả làm dịu tình trạng viêm sưng và hỗ trợ điều trị mụn trứng cá. Thảo dược này còn chứa axit salicylic - được biết đến với khả năng chống lại sự hình thành mụn trứng cá và làm giảm vết thâm. Bạn có thể nghiền nhỏ vài lá bạc hà cùng một chút mật ong, đắp lên da và để trong khoảng 20 phút trước khi rửa sạch bằng nước ấm. Đây là loại mặt nạ trị mụn dễ làm nhưng rất hữu hiệu.
-
Chống lão hóa: Bạc hà chứa nhiều chất chống oxy hóa mạnh mẽ như eugenol, limonene, anthocyanins và beta-carotene, giúp kiểm soát các gốc tự do, bảo vệ tế bào, làm chậm quá trình lão hóa. Nước ép từ bạc hà giúp làm sạch da, chống lão hóa hiệu quả.
-
Hỗ trợ giảm cân: Bạc hà cũng có tác động tích cực đối với việc duy trì vóc dáng. Lá bạc hà thúc đẩy hoạt động của enzym tiêu hóa và tạo điều kiện tốt cho cơ thể hấp thụ chất dinh dưỡng từ thức ăn. Thêm lá bạc hà vào thực đơn dinh dưỡng giúp cải thiện quá trình trao đổi chất của cơ thể, góp phần giảm cân nhanh và an toàn.
Một số bài thuốc với lá bạc hà
Sau đây là những bài thuốc dân gian với nguyên liệu chính là lá bạc hà:
-
Giảm nôn, tăng tiết mật, cải thiện tiêu hóa: Bạn có thể sử dụng khoảng 5g lá bạc hà hoặc cả cây bạc hà đã bỏ rễ, ngâm trong 200ml nước sôi, cách mỗi 3 giờ uống 1 lần.
-
Chữa cảm mạo và đau đầu: Bạn hãy pha 6g lá bạc hà + 6g kinh giới + 5g phòng phong + 4g bạch chỉ + 6g hành hoa với nước sôi, ngâm trong khoảng 20 phút, sau đó uống khi nước còn ấm nóng.
-
Phòng ngừa cảm cúm: Dùng bạc hà, tía tô, kinh giới và hoắc hương mỗi loại từ 4 - 6g, đem sắc các nguyên liệu này trong nước sôi, uống trong ngày nhằm hỗ trợ phòng ngừa cúm khi có dịch bệnh.
-
Tăng tiết mồ hôi, làm mát cơ thể: Kết hợp 8g bạc hà + 12g thuyền thoái (xác ve sầu đã bỏ chân) + 24g thạch cao + 6g cam thảo để sắc nước uống mỗi ngày trong 1 tháng. Phương pháp này hỗ trợ tăng tiết mồ hôi khi xuất hiện các triệu chứng cảm mạo mới, có xuất hiện phong nhiệt.
-
Trị cảm sốt, tim đập nhanh: Kết hợp 40g thạch cao sống + 20g lá bạc hà, nghiền thành bột mịn. Mỗi lần dùng từ 2g - 3g bột lá bạc hà, ngày dùng 3 lần, pha kèm với nước nóng.
-
Chữa chảy máu cam: Lấy bạc hà tươi, giã lấy nước rồi nhỏ vào mũi hoặc dùng lá bạc hà sắc lấy nước, thấm bông nhét vào mũi để cầm máu.
-
Trị sởi chưa mọc (mới phát) và mề đay: Chuẩn bị 4g bạc hà + 12g ngưu bàng tử + 4g thuyền thoái + 4g cam thảo. Đem các nguyên liệu trên sắc uống mỗi ngày 1 thang, chia làm 2 - 3 lần trong ngày. Nên uống thuốc khi còn ấm.
Lưu ý khi sử dụng lá bạc hà và một số tác dụng phụ
Mặc dù bạc hà có hương thơm dễ chịu và nhiều tác dụng tốt, nhưng không vì thế mà bạn lạm dụng loại thảo dược này. Hãy lưu ý những điều sau khi sử dụng bạc hà:
-
Sử dụng tinh dầu bạc hà để thoa vào mũi hoặc bôi trong cổ họng có thể dẫn đến ngừng thở và ngừng hoạt động tim mạch hoàn toàn. Hiện tượng này thường xuất hiện đặc biệt ở trẻ nhỏ. Do đó, cần thực sự cẩn trọng khi sử dụng tinh dầu bạc hà cho trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh.
-
Đã ghi nhận một số tác dụng phụ của bạc hà như: Dị ứng da, phản ứng phát ban trên da, co giật, làm chậm nhịp tim, làm giảm đường huyết, ngộ độc nếu sử dụng quá liều,... Vì vậy, trước khi sử dụng lá bạc hà, bạn nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ y học cổ truyền.
-
Trong trường hợp sử dụng các loại thuốc như cyclosporin hoặc thuốc kháng acid, không nên dùng bạc hà vì có thể gây tương tác không mong muốn.
-
Những người mắc bệnh tim nên hạn chế việc sử dụng bạc hà để tránh tác động làm chậm nhịp tim.
-
Phụ nữ mang thai và đang cho con bú nên tránh sử dụng bạc hà.
Qua những chia sẻ của Cỏ Mềm kể trên, có thể thấy lá bạc hà là loại dược liệu có nhiều công dụng trong y học và làm đẹp. Tuy nhiên, bạn cần sử dụng loại thảo dược này đúng theo lời khuyên của chuyên gia, không nên lạm dụng để tránh gặp phải những tác dụng phụ bất lợi đối với sức khỏe.